Kể từ năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và Cục quản lý môi trường Y tế đã và đang thúc đẩy các kế hoạch nước sạch vệ sinh môi trường tại cơ sở y tế (WASH). Tính đến nay, một số mô hình dịch vụ nước sạch vệ sinh môi trường ở các cơ sở y tế thuộc các cấp khác nhau đã được xây dựng và duy trì. Sáng kiến này đã trở thành cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về các bệnh viện Xanh – Sạch – Đẹp được Bộ trưởng Bộ y tế phê duyệt vào tháng 8/2016.

Nhằm duy trì tính bền vững của dịch vụ nước sạch vệ sinh môi trường, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã đồng ý hỗ trợ việc xây dựng mô hình thí điểm công cụ cải thiện cơ sở y tế nước sạch vệ sinh môi trường tại 1 số cơ sở y tế chọn lọc. Trong đó đã triển khai 6 hệ thống tại 6 cơ sở y tế các tuyến. Theo đó, vào năm 2019, 2 hệ thống xử lý nước sạch đã được triển khai tại trung tâm y tế huyện Lý Nhơn (Hà Nam) và phòng khám đa khoa khu vực Tu Bông (Khánh Hoà).

Sau nhiều năm triển khai, mô hình WASH đã làm cho các cơ sở y tế trở nên sạch đẹp hơn. Nguồn nước cấp cho các cơ sở y tế được cải thiện, tăng độ hài lòng của nhân viên y tế cũng như bệnh nhân khi đến khám và điều trị bệnh.

Tại phòng khám đa khoa khu vực Tu Bông, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà, trước khi hệ thống xử lý nước hiện đại được lắp đặt thì nguồn của bệnh viện được lấy từ giếng khoan, sau đó đi qua hệ thống lọc cát thô sơ, sau đó đưa vào bồn chứa để sử dụng. Vì chất lượng nước không đảm bảo nên bệnh viện phải mua nước uống đóng chai cho bác sĩ và bệnh nhân sử dụng. Nhưng điều này đã thay đổi khi phòng khám đa khoa Tu Bông trở thành mô hình của WASH từ năm 2019.

Sau khi được lắp đặt và đưa vào sử dụng, hệ thống nước sạch của phòng khám sử dụng công nghệ để lọc nước từ nước giếng khoan thành nước sinh hoạt và uống được, đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ y tế.

Chỉ sau 1 năm thực hiện mô hình WASH, điều kiện sinh hoạt, vệ sinh môi trường tại phòng khám đa khoa Tu Bông đã cải thiện rõ rệt, bệnh nhân tin tưởng, thoải mái hơn khi tới thăm khám và điều trị. Ông Tôn Tuấn Nghĩa, nhân viên WHO tại Việt Nam, cho biết: “Cảm giác đầu tiên sau khi thực hiện mô hình WASH là phòng khám trở nên rất xanh sạch đẹp. Rõ ràng đối với những vùng bị xâm nhập mặn hay nước bị nhiễm phèn như khu vực huyện Vạn Ninh thì cần phải tìm 1 giải pháp hữu hiệu để xử lý nước. Mục tiêu của Tổ chức Y Tế là sẽ nhân rộng mô hình này lên càng nhiều càng tốt trên cả nước”.

Còn với ông Kidong Park, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: “Nước sạch, vệ sinh là yếu tố thiết yếu để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ an toàn, chất lượng. Mục tiêu của WHO trên toàn cầu là tới năm 2030, 100% cơ sở y tế trên thế giới có dịch vụ nước sạch và vệ sinh cơ bản. Dự kiến trong năm 2021, WHO và Cục quản lý môi trường y tế sẽ xây dựng hướng dẫn quốc gia dựa trên tài liệu hướng dẫn WASH-FIT và phân phát đến 63 tỉnh thành, đồng thời, tổ chức đánh giá trực tuyến tình hình nước sạch vệ sinh tại các cơ sở y tế cũng như đề ra kế hoạch và các lộ trình đầu tư”.

 


 (Phóng sự của WHO về dự án WASH tại Việt Nam)

Từ khóa:

#nước sạch#who
Chia sẻ