Vi nhựa là một vấn đề môi trường ngày càng lớn, nhưng các nhà khoa học Hàn Quốc vừa phát triển một hệ thống lọc nước mới có thể lọc những hạt vi nhựa này cũng như các chất bẩn khác với tốc độ nhanh và hiệu quả cao. Như mọi người đã biết  là nhựa đã có mặt ở khắp mọi ngóc ngách của Trái Đất, ngay cả ở những nơi được xem là nguyên sơ nhất. Vi nhựa giờ đây không chỉ có mặt ở những nơi địa cực, đại dương sâu thẳm, hay những đỉnh núi cao nhất mà còn hiện diện trong chuỗi thức ăn của con người.

Nhiều vật liệu khác nhau đang được thử nghiệm để lọc được những hạt vi nhựa này, trong đó có bao gồm các nano từ tính, nano cellulose, dây bán dẫn và cột lọc chứa cát, sỏi và màng sinh học. Bây giờ, các nhà khoa học ở Viện Khoa học và Công nghệ Daegu Gyeongbuk (DGIST) ở Hàn Quốc đã tìm thấy niềm hi vọng mới với thiết kế của mình.

Vật liệu then chốt trong thử nghiệm này được biết đến như là một khung triazene đồng hóa trị (covalent triazene framework – CTF). Đây là một vật liệu có độ xốp cao với diện tích bề mặt lớn, nghĩa là chúng có nhiều khoảng không bên trong để giữ lại các phân tử mà chúng bắt được. Gần đây, các vật liệu tương tự cũng cho thấy sự hiệu quả trong việc loại bỏ thuốc nhuộm hữu cơ ra khỏi nước thải công nghiệp.

Nhóm nghiên cứu đã cẩn thận thiết kế các phân tử trong CTF để nó hút nước hơn và để vật liệu này tiếp xúc với quá trình oxy hóa nhẹ. Bộ lọc được chứng minh là có hiệu quả trong việc loại bỏ rất nhanh các hạt vi nhựa khỏi nước – hơn 99,9% chất ô nhiễm đã được loại bỏ trong vòng 10 giây. Vật liệu này cũng có thể được tái sử dụng nhiều lần mà không làm giảm hiệu suất của nó.

Trong một thử nghiệm khác, các nhà nghiên cứu phát triển một phiên bản polymer có thể hấp thụ ánh sáng mặt trời, chuyển đổi năng lượng thành nhiệt và dùng nhiệt đó để thanh lọc một chất ô nhiễm khác, được biết đến như là các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (volatite organic compounds – VOC).

Thử nghiệm này có thể loại bỏ hơn 98% VOC dưới năng lượng của một bức xạ mặt trời (Bức xạ mặt trời là năng lượng trên một đơn vị diện tích (mật độ năng lượng bề mặt) nhận được từ Mặt Trời dưới dạng bức xạ điện từ trong dải bước sóng của thiết bị đo. Bức xạ mặt trời được đo bằng watt trên mét vuông (W/m2)). Một phiên bản mẫu kết hợp cả hai loại màng có thể loại hơn 99,9% cả hai loại chất ô nhiễm. Các nhà khoa học ở Viện Daegu Gyeongbuk rất tự hào với thành quả nghiên cứu của mình khi nói rằng đây là công nghệ lọc nước không có đối thủ với hiệu quả thanh lọc cao nhất thế giới, loại bỏ hơn 99,9% cả vi nhựa và chất VOC trong nước với tốc độ siêu nhanh với giá thành rất rẻ.

Theo tinhte.vn, Asia Research News.

Chia sẻ