Nhận lời mời của Thủ tướng nước CHDCND Lào Sonexay Siphandone, ngày 5/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị cấp cao (HNCC) Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại Viêng Chăn, Lào. Dự kiến, Thủ tướng của 4 nước thành viên Ủy hội, gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam sẽ tham dự sự kiện này. Hội nghị cấp cao của Ủy hội sông Mekong Quốc tế (MRC) được tổ chức từ năm 2010, theo cơ chế luân phiên 4 năm/lần tại 4 nước thành viên của Ủy hội.
Cho đến nay, có 3 kỳ hội nghị cấp cao đã được tổ chức: Lần đầu tiên vào năm 2010 do Thái Lan đăng cai tại Hua Hin; lần thứ hai vào năm 2014 do Việt Nam đăng cai tại TP.HCM và lần thứ ba vào năm 2018 do Campuchia đăng cai tại Siem Reap.
Đây là sự kiện chính trị cấp cao nhất của Ủy hội nhằm thảo luận các chủ đề liên quan tới những nhận thức mới nhất và các giải pháp sáng tạo mới để bảo tồn sông Mekong.
Ủy hội là cơ chế hợp tác Mekong lâu đời nhất và là cơ chế duy nhất hoạt động dựa trên một hiệp định quốc tế nhằm tạo khuôn khổ hợp tác phát triển bền vững, sử dụng, bảo vệ và quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của khu vực. Đây là diễn đàn khu vực quan trọng để thúc đẩy hợp tác hòa bình và cùng có lợi nhằm phát triển bền vững lưu vực sông Mekong.
Bên cạnh nhiều thành tựu quan trọng đã đạt được và những cơ hội hợp tác mới, trong những năm gần đây, vai trò, vị thế và hoạt động của Ủy hội đang gặp phải những thách thức không nhỏ như các tác động tiêu cực của biến đôi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự gia tăng dân số, hoạt động khai thác và sử dụng thiếu bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực, cạnh tranh chiến lược nước lớn… Các thách thức này đòi hỏi phải tăng cường, củng cố vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động và hợp tác tại Ủy hội.
Với chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong”, Hội nghị cấp cao lần này có 05 mục tiêu: Tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất của 4 quốc gia thành viên trong việc tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và chức năng của Ủy hội; Tiếp tục khẳng định các mục đích và các nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực; Ghi nhận các thành tựu đạt được từ các HNCC trước đây; Ghi nhận các thách thức và cơ hội có liên quan đến nước, bao gồm các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững và quản lý môi trường của lưu vực sông Mekong; Xác định các định hướng và chỉ đạo liên quan đến phát triển và quản lý lưu vực và thống nhất các thỏa thuận/ kế hoạch để đạt được các kết quả của Chiến lược phát triển lưu vực Mekong giai đoạn 2021-2030.
Trả lời phỏng vấn phóng viên thường trú VOV tại Lào, Tiến sỹ Aloulak Kittikhoun – Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội song Mekong (MRC) cho biết: “Chúng tôi lựa chọn chủ đề “Đổi mới và Hợp tác vì an toàn và bền vững nguồn nước Mekong” là vì, sông Mekong đang đứng trước nhiều thách thức do sự biến đổi khí hậu, cũng như sự can thiệp của con người. Trong 4 năm tiếp theo chúng ta cần tập trung đổi mới trong quản lý sông Mekong và không chỉ dựa vào các biện pháp truyền thống như trước đây mà cần phải thay đổi, nhất là phải thay đổi về mặt chính sách, công nghệ và đổi mới về phương thức quản lý, tất cả những vấn đề này chúng tôi cần đưa ra thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh với các quốc gia thành viên để tìm kiếm một giải pháp và đưa ra các quyết sách phù hợp cho những năm tiếp theo”.
Trong những năm gần đây, với vị trí là quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong, Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực, có trách nhiệm, thúc đẩy hợp tác với các nước thành viên khác của Ủy hội, các đối tác quốc tế nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của sông Mekong, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và nhất là của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 4 trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, chính trị, an ninh, quốc phòng được giữ vững; kinh tế đạt tăng trưởng 8,02% trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải đối mặt với các thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường, đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác tại Ủy hội./.
Theo VOV