Nước Mỹ: Tại nước này, xấp xỉ 7-8% nước thải được tái sử dụng với nhiều mục đích khác nhau: tái sử dụng nước thải cho các hoạt động ở đô thị (tưới cảnh quan và các sân golf); tái sử dụng nước cho nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi); tái sử dụng nước cho các mục đích tạo khoảng không cách ly; tái sử dụng nước cho các mục đích môi trường (cấp nước cho vùng đất ngập nước, cấp nước duy trì dòng chảy sông suối); tái sử dụng nước cho các mục đích công nghiệp (sản xuất, làm mát, vệ sinh thiết bị…)… Trong đó, tái sử dụng nước thải cho hoạt động nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất (Hình 1). Theo báo cáo Hội đồng Nghiên cứu quốc gia của Mỹ năm 2012, ước tính có khoảng 45 triệu m3/ngày nước thải đô thị, tương đương với khoảng 37% tổng lượng nước thải đô thị phát sinh trên toàn quốc, đã được tái sử dụng sau xử lý.
Có được những thành quả trên, trước hết là nhờ những thay đổi trong chính sách tiếp cận đối với vấn đề quản lý, tái sử dụng nước thải trong công tác quản lý nguồn nước và bảo vệ môi trường của Mỹ. Cụ thể, phương thức quản lý nguồn nước truyền thống đã dần được chuyển sang phương thức quản lý tổng hợp nguồn nước (Hình 2); trong đó, nước thải là một mắt xích quan trọng, không chỉ được coi và quản lý đơn thuần như chất thải xả vào nguồn tiếp nhận mà còn được tuần hoàn, tái sử dụng bổ sung cho nguồn nước cấp.
Để từng bước chuyển đổi phương thức, mô hình quản lý nguồn nước từ truyền thống sang tổng hợp (có xét đến yếu tố tái sử dụng nước), đã có nhiều nghiên cứu, hướng dẫn được ban hành để hướng dẫn cho chính quyền các bang, các cơ quan liên bang có thẩm quyền, các tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét lồng ghép việc tái sử dụng nước thải vào quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước. Trong đó, theo hướng dẫn về quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước, quy hoạch tổng thể tái sử dụng nước thải sẽ là một phần trong quy hoạch tổng hợp này với việc tập trung vào quy hoạch các hệ thống cơ sở hạ tầng để tái sử dụng nước thải đô thị. Quy hoạch tổng thể về tái sử dụng nước thải sẽ phải xác định sự sẵn lòng sử dụng nước thải đã được xử lý cho mục đích tái sử dụng của cộng đồng dân cư, các khách hàng tiềm năng và nhu cầu sử dụng nước của họ, vấn đề công nghệ và những vấn đề liên quan đến lưu lượng, chất lượng nước…
Các vấn đề quản lý nước thải tái sử dụng cũng đã được đề cập một cách hệ thống và toàn diện trong các văn bản pháp luật cấp liên bang, cấp bang của Mỹ như trong Đạo luật Môi trường quốc gia (NEPA), các đạo luật về bảo vệ tài nguyên sinh học, cảnh quan và văn hoá… Trên cơ sở các khung quy định, hướng dẫn cấp liên bang, nhiều bang đã ban hành các chính sách, quy định, hướng dẫn tài chính, kỹ thuật, quản lý chi tiết cho việc tái sử dụng nước thải.
Tại Mỹ, nước thải sau xử lý được tái sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm: Tái sử dụng nước cho đô thị; nông nghiệp; công nghiệp; các khu vực cảnh quan, giải trí; cấp nước sinh hoạt; môi trường (ví dụ bổ cập nước cho khu vực đất ngập nước; tăng cường dòng chảy sông, suối…).
Hiện nay, nhiều bang của Mỹ đã ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể cho việc tái sử dụng nước thải đối với các mục đích sử dụng nước khác nhau. Trong đó, quy định rõ các yêu cầu về chất lượng nước, công nghệ xử lý, quan trắc, giám sát chất lượng nước, khoảng cách giới hạn tối thiểu đến các giếng cấp nước… tương ứng với từng mục đích tái sử dụng khác nhau. Các thông số chất lượng nước yêu cầu phải được kiểm soát chặt chẽ bao gồm pH, BOD, độ đục, Fecal Coliform và Clo dư. Một số bang quy định giấy phép riêng cho hoạt động tái sử dụng nước thải trong hệ thống chương trình cấp phép của bang, một số bang khác lại tích hợp việc cho phép hoạt động tái sử dụng nước thải trong các giấy phép về tài nguyên nước sẵn có.
Liên minh châu Âu: Tình hình khan hiếm nước, hạn hán diễn ra phổ biến trong những thập kỷ gần đây đã làm ảnh hưởng đến ít nhất 11% người dân Châu Âu tại 17% diện tích toàn khu vực. Đặc biệt, tại khu vực Địa Trung Hải (bao gồm các quốc gia Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, miền Nam nước Pháp, Hy Lạp, Cộng hòa Shíp và Malta), khoảng 20% dân số thường xuyên sống trong tình trạng căng thẳng về nước và trong mùa hè, đến hơn 50% dân số bị ảnh hưởng do khan hiếm nước. Theo ước tính, trung bình mỗi năm khoảng hơn 40.000 triệu m3 nước thải được xử lý trên toàn Châu Âu, nhưng trong số đó chỉ khoảng 964 triệu m3 (tương đương với 2,4%) được tái sử dụng.
Do đó, vai trò tiềm năng của việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý như một nguồn cung cấp nước thay thế hiện đã được thừa nhận và đưa vào các chiến lược có liên quan của Liên minh châu Âu. Tái sử dụng nước thải là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong Kế hoạch thực hiện chiến lược của Đối tác Sáng kiến châu Âu về nước và tối đa hóa việc tái sử dụng nước là một mục tiêu cụ thể trong Chiến dịch truyền thông “Kế hoạch chi tiết để bảo vệ tài nguyên nước của châu Âu”.
Với mục tiêu thúc đẩy tái sử dụng nước thải để giải quyết vấn đề khan hiếm nước, tháng 5/2018, Uỷ ban châu Âu đã đưa ra đề xuất hướng tới việc ban hành hướng dẫn chung trên toàn Liên minh châu Âu về tiêu chuẩn chất lượng nước tái sử dụng cho nông nghiệp. Sau 2 năm nghiên cứu và xây dựng, Quy định về các yêu cầu tối thiểu cho việc tái sử dụng nước thải (Regulation 2020/741) đã được ban hành tháng 5/2020 và dự kiến có hiệu lực trên toàn Liên minh châu Âu kể từ tháng 6 năm 2023 [6]. Quy định này khởi đầu cho việc thống nhất và đồng bộ các yêu cầu tối thiểu đối với việc tái sử dụng an toàn nước thải đô thị cho sản xuất nông nghiệp trên toàn khu vực châu Âu, bao gồm cả các yêu cầu về quan trắc. Đồng thời, là hành động nhằm cụ thể hoá Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn vừa được Liên minh châu Âu thông qua trong năm 2020. Uỷ ban châu Âu ước tính và kỳ vọng rằng chính sách này có thể làm tăng lượng nước tái sử dụng trong nông nghiệp tăng từ 1,7 tỷ m3 lên 6,6 tỷ m3/năm, giảm áp lực nguồn nước xuống 5%.
Quy định về các yêu cầu tối thiểu cho việc tái sử dụng nước thải bao gồm các điều khoản về quản lý rủi ro để đánh giá và xử lý các rủi ro về môi trường và sức khoẻ cộng đồng liên quan đến việc tái sử dụng nước thải; các điều khoản liên quan đến cấp phép và công khai, minh bạch thông tin đến cộng đồng đối với các dự án có sử dụng nước thải sau xử lý…Yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng nước thải tái sử dụng được đề xuất theo 4 mức, trên cơ sở xem xét các yếu tố như loại cây trồng (rau trồng, cây lương thực, cây công nghiệp…), phương thức tưới. Tương ứng với đó, công nghệ xử lý nước thải để tái sử dụng, tần suất quan trắc, giám sát chất lượng nước thải cũng được đề xuất để bảo đảm tiêu chuẩn và tính ổn định của chất lượng nước thải trước khi tái sử dụng.
Phân loại mức độ nước thải đô thị được phép tái sử dụng cho trồng trọt theo quy định của Liên minh Châu Âu
Yêu cầu tối thiểu về chất lượng đối với việc tái sử dụng nước thải đô thị cho trồng trọt theo quy định của Liên minh châu Âu
Nhật Bản: Để quản lý hoạt động tái sử dụng nước thải, năm 2005, Chính phủ Nhật Bản ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về tái sử dụng nước thải với 7 thông số ô nhiễm cần kiểm soát ứng với các mục đích tái sử dụng nước thải khác nhau. Đồng thời, Bộ Đất đai, giao thông, hạ tầng kỹ thuật và du lịch của Nhật Bản cũng đã xây dựng và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến tái sử dụng nước thải như hướng dẫn về hệ thống tái sử dụng nước thải có sử dụng công nghệ lọc màng UF và khử trùng bằng tia UV…
Đối với yêu cầu về kỹ thuật, Nhật Bản cũng có các quy định về mức độ xử lý nước thải ứng với các mục đích tái sử dụng nước, cụ thể, đối với nước tái sử dụng cho các mục đích xả rửa vệ sinh, phun tưới và tạo cảnh quan, nước thải phải được lọc cát hoặc xử lý cấp tương đương hoặc cao cấp hơn; đối với nước tái sử dụng cho mục đích giải trí, nước thải phải được xử lý keo tụ kết hợp lọc cát hoặc xử lý cao cấp hơn.
Tiêu chuẩn chất lượng nước cho tái sử dụng nước của Nhật Bản
(Theo ThS. Phan Mai Linh; ThS. Nguyễn Đình Tùng, Tạp Chí Môi Trường)