Lãng phí hơn 100 ngàn m3/ngày

Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, hiện 31 KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều có trạm xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế gần 182 ngàn m3/ngày đêm, công suất hoạt động thực tế khoảng 128 ngàn m3/ngày đêm. Nước thải từ các nhà máy, cơ sở sản xuất được tập kết về trạm xử lý nước thải tập trung. Tại đây, nước thải được xử lý theo quy trình công nghệ đạt tiêu chuẩn loại A (theo quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT năm 2011 của Bộ TN-MT về thông số ô nhiễm trong mức giới hạn cho phép của các thành phần nước thải) rồi thải ra nguồn tiếp nhận.

KCN Tín Nghĩa (TP.Biên Hòa) mỗi ngày tiếp nhận hơn 3 ngàn m3 nước thải, cao điểm gần 5 ngàn m3/ngày đêm. Bà Khổng Thị Thu Trang, cán bộ phụ trách môi trường của KCN Tín Nghĩa cho biết, quy trình tiếp nhận và xử lý nước thải của KCN hiện rất chặt chẽ. Nước thải từ các nhà máy, cơ sở sản xuất về trạm được tách rác, tách dầu mỡ. Qua 3 quy trình công nghệ xử lý, nước thải về hồ hoàn thiện và chảy ra suối Nước Trong (H.Long Thành).

(Hình minh họa)

Qua các lần lấy mẫu kiểm tra độc lập của DN và cơ quan nhà nước, chất lượng nước thải của KCN đạt quy chuẩn cho phép. Toàn bộ nước thải sau xử lý được thải ra nguồn tiếp nhận, không tái sử dụng, kể cả tưới cây xanh” – bà Khổng Thị Thu Trang chia sẻ.

Các trạm xử lý nước thải công nghiệp khác cũng tương tự. Ông Nguyễn Hồng Mẫn, cán bộ phụ trách môi trường KCN Agtex Long Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, những năm gần đây, trạm xử lý nước thải của KCN không gặp sự cố. Toàn bộ nước thải về KCN đều được xử lý đạt chuẩn rồi mới thải ra Suối Chùa (P.Long Bình), không tái sử dụng. Một số DN có lưu lượng nước thải ít, nằm cách xa nhà máy xử lý nước thải, công ty phải vận chuyển nước thải về trạm xử lý.

Đại diện một DN xử lý nước thải trên địa bàn H.Nhơn Trạch cho rằng, hiện nay một số nhà đầu tư than phiền chi phí xử lý nước thải khá cao (dao động 7-10 ngàn đồng/m3), nước thải xử lý đạt chuẩn xong trả về nguồn tiếp nhận là lãng phí, nhưng quy định của pháp luật không cho phép tái sử dụng trực tiếp.

“Nước tưới cây công trình, nước phòng cháy, chữa cháy được lấy từ sông, hồ. Nước thải sau xử lý cũng được thải ra sông, hồ nhưng không được tái sử dụng trực tiếp. Nếu có thể tái sử dụng nước thải thì chi phí xử lý sẽ giảm mà DN có thêm nguồn nước cung cấp cho sản xuất” – đại diện DN chia sẻ.

Chưa được nhiều DN quan tâm

Theo Sở TN-MT, việc tái sử dụng nước thải, trong đó có nước thải công nghiệp đem lại hiệu quả cả về kinh tế lẫn môi trường. Về kinh tế, việc tái sử dụng nước thải giúp giảm lượng nước cấp, giảm áp lực cung cấp nước sạch cho các nhà máy và góp phần giảm chi phí xử lý nước thải. Về môi trường, khi nước thải được tái sử dụng, các nhà đầu tư sẽ phải quan tâm hơn chất lượng nước sau xử lý, nguồn nước đã qua sử dụng thải ra môi trường giảm. Nhưng điều này chưa được nhiều DN quan tâm.

Nguyên nhân là do các trạm xử lý nước thải đang hoạt động chủ yếu áp dụng công nghệ cũ, chỉ một số áp dụng công nghệ tân tiến; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chưa có quy định và tiêu chuẩn cụ thể về tái sử dụng nước thải; Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích DN tái sử dụng nước chứ chưa có chế tài hay cơ chế ưu tiên, hỗ trợ. Điều này khiến các cơ sở sản xuất vừa phải bỏ tiền mua nước sạch, vừa bỏ tiền xử lý nước thải, nguồn tài nguyên nước bị lãng phí.

(Hình minh họa)

Nước là nguồn tài nguyên có hạn, việc quản lý, khai thác và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là trách nhiệm chung của cộng đồng. Tuy nhiên, do pháp luật chưa có quy định cụ thể và thực tế việc đầu tư công nghệ để có thể tái sử dụng nước thải trực tiếp tốn kém nên các trạm xử lý nước thải – nơi tập kết nước thải của hầu hết các cơ sở sản xuất trong KCN chưa thực hiện tái sử dụng nước thải.

Trên thực tế, một số DN trên địa bàn tỉnh đã và đang tái sử dụng nước thải để vệ sinh và làm mát máy công nghiệp như: Vedan, Nestle, Ajinomoto, Formosa… Theo chia sẻ của các DN, việc tái sử dụng nước thải giúp họ tiết kiệm được chi phí mua nước sạch, chi phí xử lý nước thải, tuy nhiên thủ tục xin cấp phép không hề đơn giản, vốn đầu tư lớn và DN phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước tái sử dụng.

(Theo Lê An, baodongnai.com.vn)

Chia sẻ