Nông nghiệp
Nông nghiệp là ngành tiêu thụ tài nguyên nước ngọt lớn nhất toàn cầu. Hoạt động sản xuất và chăn nuôi sử dụng khoảng 70% nguồn cung cấp nước bề mặt của trái đất. Do đó, ngành này là nguyên nhân hàng đầu gây suy thoái nguồn nước.
Tại Mỹ, nông nghiệp cũng là nguồn ô nhiễm lớn nhất ở sông và suối; sau đó đến các vùng đất ngập nước và cuối cùng là hồ. Hoạt động ngành này cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho các cửa sông và nước ngầm. Mỗi khi trời mưa, phân bón, thuốc trừ sâu và chất thải động vật từ các trang trại và hoạt động chăn nuôi sẽ rửa trôi chất dinh dưỡng và mầm bệnh như vi khuẩn, virus… vào đường nước.
Trong đó, ô nhiễm chất dinh dưỡng xảy ra do dư thừa nitơ và phốt pho trong nước hoặc không khí. Đây là mối đe dọa lớn nhất đối với chất lượng nước trên toàn thế giới và có thể gây ra hiện tượng tảo nở hoa, một loại tảo xanh độc hại có thể gây hại cho con người, động vật hoang dã.
Chất thải và nước thải
Nước đã qua sử dụng là nước thải, xuất phát từ bồn rửa, vòi hoa sen, nhà vệ sinh, các hoạt động thương mại, công nghiệp và nông nghiệp như kim loại, bùn thải độc hại… Nước thải cũng bao gồm nước mưa chảy tràn, mang theo muối đường, dầu, mỡ, hóa chất và mảnh vụn từ các bề mặt không thấm vào đường nước.
Theo Liên hợp quốc, hơn 80% nước thải trên thế giới chảy ngược trở lại môi trường khi không được xử lý hoặc tái sử dụng. Ở một số nước kém phát triển nhất, con số này cao nhất là 95%. Tại Mỹ, các cơ sở phải xử lý khoảng 34 tỷ gallon (khoảng 128,7 tỷ l) nước thải mỗi ngày để giảm lượng ô nhiễm như mầm bệnh, phốt pho, nitơ, các kim loại nặng và hóa chất độc hại trong chất thải công nghiệp. Tuy nhiên, khi hệ thống đã cũ và quá tải, một lượng rất lớn nước thải vẫn ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Dầu khí
Người tiêu dùng chiếm phần lớn nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm dầu ở các vùng biển, bao gồm dầu và xăng từ hàng triệu ôtô và xe tải thải ra mỗi ngày. Bên cạnh đó, gần một nửa trong số một triệu tấn dầu được đưa vào môi trường biển mỗi năm đến từ các nguồn trên đất liền như nhà máy, trang trại và thành phố, thay vì các vụ tràn tàu chở dầu.
Các vụ tràn dầu của tàu chỉ chiếm khoảng 10% lượng dầu ở các vùng biển trên thế giới. Trong khi đó, hoạt động của ngành vận tải biển, thông qua cả việc xả thải hợp pháp và bất hợp pháp, chiếm đến khoảng một phần ba. Dầu cũng được giải phóng tự nhiên từ dưới đáy đại dương thông qua các vết đứt gãy, hay còn gọi là thấm.
Chất phóng xạ
Chất thải phóng xạ là ô nhiễm phát bức xạ vượt quá mức thải ra tự nhiên của môi trường. Tình trạng này tạo ra bởi khai thác uranium, các nhà máy điện hạt nhân và sản xuất, thử nghiệm vũ khí quân sự, cũng như các trường đại học, bệnh viện sử dụng vật liệu phóng xạ cho nghiên cứu, y học.
Chất thải phóng xạ có thể tồn tại trong môi trường hàng nghìn năm, trở thành một thách thức lớn trong việc xử lý. Các chất gây ô nhiễm được phóng ra có thể vô tình hoặc do xử lý không đúng sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước ngầm, nước bề mặt và tài nguyên biển.
Tình trạng ô nhiễm này ảnh hưởng rất lớn đến cả sức khỏe con người và môi trường. Trong khi đó, theo Báo cáo phát triển nước thế giới của Liên hợp quốc năm 2018, thách thức về bảo vệ nguồn nước sẽ ngày càng tăng lên. Đến năm 2050, nhu cầu nước ngọt toàn cầu dự kiến sẽ lớn hơn một phần ba so với hiện tại. Chỉ dưới 1% lượng nước ngọt trên thế giới có thể uống được và có xu hướng giảm dần do sức tiêu thụ của con người.
Do đó, mỗi người cần có hành động bảo vệ nguồn nước ngay từ hoạt động sinh hoạt hàng ngày như giảm tiêu thụ nhựa; vứt bỏ chất tẩy rửa, hóa chất, thuốc đúng cách; bảo dưỡng phương tiện di chuyển định kỳ để giảm phát thải; phân loại chất thải đưa ra cống thoát nước…
(Theo Nhật Lệ, vnexpress.net)